
Rượu được hấp thu vào cơ thể như thế nào?
Khi rượu vào cơ thể, nó được hấp thu nhanh trực tiếp vào máu với 20% hấp thu tại dạ dày và 80% tại ruột non, sau 30-60 phút toàn bộ rượu được hấp thu hết. Tốc độ hấp thu của rượu vào máu sẽ chậm hơn nếu dạ dày có thức ăn. Mức độ hấp thu rượu vào cơ thể tùy thuộc vào từng loại rượu, nồng độ rượu, lượng thức ăn trong dạ dày, thể trạng người uống,… Sau khi được hấp thu, rượu vào máu và phân tán đến khắp các mô tế bào và các cơ quan trong cơ thể.
Cơ thể chúng ta đào thải rượu ra bên ngoài như thế nào?
Cơ thể sẽ bắt đầu hoạt động đào thải rượu ra ngoài cơ thể ngay khi được hấp thu vào máu. Phần lớn số lượng rượu (khoảng 90%) sẽ được chuyển hóa ở gan để thành những chất không độc và đào thải ra ngoài cơ thể. Đây chính là khả năng chuyển hóa giải độc rượu của gan, do đó là gan là cơ quan bị ảnh hưởng tác hại nặng nề nhất nếu uống quá nhiều rượu.
Tác hại của rượu bia
Các tác hại của rượu bia chính là do chất cồn (ethanol) gây ra, thông qua 3 cơ chế trực tiếp chính gồm:
- Chất cồn trong rượu gây độc mãn tính: Khi con người uống với liều lượng nhỏ và từ từ, chất cồn đã gây độc mãn tính cho các cơ quan và mô trong cơ thể, lâu dần dẫn đến tổn thương tế bào và hậu quả là mắc các bệnh mạn tính, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như tinh thần con người.
- Chất cồn gây nhiễm độc cấp tính: Sự tác động lên cấu trúc và chất dẫn truyền của thần kinh trung ương sẽ dẫn đến hệ lụy rối loạn phối hợp động tác, giảm tỉnh táo, rối loạn nhận biết, từ đó ảnh hưởng đến hành vi nên sẽ gây ra các hậu quả cho người uống và người xung quanh. Ví dụ như gây ra thương tích, tai nạn giao thông, bạo lực...
- Chất cồn gây lệ thuộc: Là một chất hướng thần nên cồn trong rượu có thể làm cho người uống phải gia tăng liều dùng cũng như tái sử dụng. Từ đó khiến con người phải lệ thuộc vào nó, dẫn đến loạn thần do rượu và tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính, gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài.
Ngoài ra, chất cồn có thể tương tác xấu với các chất hóa học khác trong cơ thể, làm trầm trọng thêm những tổn thương thể chất và tinh thần có sẵn.
Không có ngưỡng an toàn đối với việc uống rượu, bia
Trên thực tế, không có tiêu chuẩn nào về việc uống bao nhiêu rượu bia là có hại, bởi vì việc dung nạp và nguy cơ do uống rượu bia khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, các đặc tính sinh học khác. Không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn bởi vì dù là uống với một lượng rất nhỏ rượu, bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.
Các biện pháp phòng chống tác hại của rượu bia
Để phòng chống tác hại của rượu bia, mọi người hãy hạn chế uống rượu, bia tối đa vì không có ngưỡng nào là an toàn.
Trong trường hợp có uống thì nên lưu ý một số điều quan trọng sau:
- Không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
- Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc.
- Phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
- Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,...
Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người bệnh đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
Mức phạt nồng độ cồn 2025 đối với người lái ô tô, xe máy
1. Mức phạt nồng độ cồn 2025 với ô tô
Căn cứ: Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP
Nồng độ cồn
|
Mức phạt tiền
|
Trừ điểm GPLX
|
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở
|
Phạt tiền từ 6 triệu đồng - 8 triệu đồng (điểm c khoản 6 Điều 6)
|
- 4 điểm
|
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở
|
Phạt tiền từ 18 triệu đồng - 20 triệu đồng (điểm a khoản 9 Điều 6)
|
-10 điểm
|
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở
|
Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng (điểm a khoản 11 Điều 6)
|
Không áp dụng trừ điểm giấy phép lái xe mà thực hiện tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (điểm c khoản 15 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
|

Mức phạt nồng độ cồn 2025 mới nhất theo Nghị định 168/2024/ND-CP (Ảnh minh họa)
2. Mức phạt nồng độ cồn năm 2025 với xe máy
Căn cứ: Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP
Nồng độ cồn
|
Mức phạt tiền
|
Trừ điểm GPLX
|
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở
|
Phạt tiền từ 02 triệu đồng - 03 triệu đồng (điểm a khoản 6 Điều 7)
|
- 4 điểm
|
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở
|
Phạt tiền từ 06 triệu đồng - 08 triệu đồng (điểm b khoản 8 Điều 7) (Trước 01/01/2025 là từ 04 - 05 triệu đồng)
|
- 10 điểm
|
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở
|
Phạt tiền từ 08 triệu đồng - 10 triệu đồng (điểm d khoản 9 Điều 7) (Trước 01/01/2025 là 06 triệu đồng - 08 triệu đồng)
|
Không áp dụng trừ điểm giấy phép lái xe mà thực hiện biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. (điểm c khoản 12 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
|
3. Mức phạt nồng độ cồn 2025 với máy kéo, xe máy chuyên dùng
Căn cứ: Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP
Nồng độ cồn
|
Mức phạt tiền
|
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở
|
Phạt tiền từ 03 triệu đồng - 05 triệu đồng (điểm c khoản 6 Điều 8).
|
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở
|
Phạt tiền từ 06 triệu đồng - 08 triệu đồng (điểm a khoản 7 Điều 8)
|
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở
|
Phạt tiền từ 16 triệu đồng - 18 triệu đồng (điểm a khoản 9 Điều 9).
|
4. Mức phạt nồng độ cồn năm 2025 với xe đạp
Căn cứ: Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP
Nồng độ cồn
|
Mức phạt tiền
|
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở
|
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm p khoản 1 Điều 9)
(trước 01/01/2025 là phạt từ 80.000- 100.000 đồng)
|
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở
|
Phạt tiền từ 300.000 đồng - 400.000 đồng (điểm d khoản 3 Điều 9).
|
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở
|
Phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng (điểm b khoản 4 Điều 9)
|
5. Năm 2025, vi phạm nồng độ cồn có bị giữ xe không?
Tạm giữ phương tiện là một trong những hình thức xử phạt được quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Người có thẩm quyền xử phạt nồng độ cồn được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn kể trên.
Như vậy, nếu vi phạm nồng độ cồn có thể bị giữ xe đến 07 ngày.
Đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.